Rehearsal dinner bao gồm hai phần: tổng duyệt cho Đám Cưới và bữa tiệc tối sau đó. Nghe thì có vẻ đơn giản đấy, nhưng không đâu. Dưới đây là hàng loạt những điều bạn cần biết về một rehearsal dinner, hãy giữ bình tĩnh nhé!
Rehearsal dinner – phong tục truyền thống phương Tây
Theo thông lệ, rehearsal dinner sẽ được tổ chức vào đêm trước Ngày Cưới, thường là thứ Sáu. Phần tổng duyệt có thể diễn ra vào lúc năm giờ chiều, trong khi buổi tiệc sẽ bắt đầu vào khoảng bảy giờ tối, phòng trường hợp một số khách mời vẫn còn phải đi làm. Nếu Đám Cưới diễn ra vào Chủ Nhật hoặc kỳ nghỉ lễ, bạn đương nhiên sẽ có nhiều lựa chọn hơn.
Mục đích của rehearsal dinner
Ngoại trừ ý nghĩa chính “tổng duyệt cho Đám Cưới”, đây còn là dịp hai bên gia đình (lúc này đã đầy đủ thành viên hơn) gặp gỡ và tìm hiểu về nhau một cách thân mật. Bên cạnh đó, một bữa tiệc nhẹ nhàng thoải mái như vầy có thể giúp xua tan căng thẳng trước Ngày Cưới, dù là đối với Cô Dâu Chú Rể hay những người đã phụ giúp chuẩn bị.
Người tổ chức là ai?
Theo truyền thống, gia đình Chú Rể sẽ tổ chức và chịu mọi chi phí, nhưng ở thời buổi hiện nay thì Cô Dâu cũng có thể tham gia chia sẻ, hoặc song thân hai bên cùng chung tay góp sức. Lời khuyên là Cô Dâu Chú Rể nên để tùy ý phụ huynh, vì hai bạn đã lo toan rất nhiều phần trong quá trình chuẩn bị Đám Cưới rồi mà. Hãy thư giãn!
Những khách mời
Danh sách khách mời ngắn nhất có thể cho buổi rehearsal dinner là những thành viên gần gũi nhất thuộc hai bên gia đình, cùng đội ngũ chuẩn bị Đám Cưới và người thân của họ. Bạn cũng nên mời người chủ hôn cùng gia đình, vì đây là một hành động lịch sự, đúng không nào?
Một rehearsal dinner sẽ trông như thế nào?
Cũng như ý tưởng Tiệc Cưới hoặc Tiệc độc thân, bạn có rất nhiều chủ đề phong phú để lựa chọn: trang trọng ở nhà hàng, lịch sự trong sân vườn, hay một chuyến dã ngoại BBQ thư giãn,… Tuy nhiên, đừng quên rằng tính chất của buổi tiệc này thân mật nhẹ nhàng hơn nhiều so với Tiệc Cưới, không gian và thực đơn cũng nên hướng theo tinh thần đó bạn nhé!
Thực chất, rehearsal dinner sẽ trông như thế nào, đều phụ thuộc vào ngân sách chi tiêu của bạn, số lượng khách mời và ý tưởng mà người tổ chức đề ra.
Gửi thiệp mời thế nào?
Cũng như Đám Cưới, nếu buổi tiệc của bạn có tính trang trọng, bạn có thể gửi thiệp mời theo hình thức tương xứng, và ngược lại. Quan trọng nhất là khách mời biết rõ thời gian và địa điểm tổ chức, thế thôi!
Về thời điểm, bạn nên gửi thiệp sau Thiệp Cưới một vài ngày, để họ có thể sắp xếp lịch trình cá nhân. Điều này hẳn nhiên cũng rất có ích cho bạn trong việc chuẩn bị, đúng không nào?
Chuyện gì sẽ xảy ra trong rehearsal dinner?
Đừng quá căng thẳng, đây là một số diễn biến truyền thống:
– Chào đón khách mời, giới thiệu hai bên gia đình với nhau, cùng trò chuyện.
– Trao quà cảm ơn đến cha mẹ (hoặc bạn có thể để dành khi khác riêng tư hơn) cũng như đội ngũ chuẩn bị Đám Cưới giúp bạn. Hãy chân thành tỏ lòng biết ơn sự hỗ trợ của họ nhé! Cô Dâu Chú Rể đôi khi cũng thích tặng nhau những món quà bất ngờ trong dịp này nữa!
– Lời chúc rượu sau phần tráng miệng. Thông thường, người tổ chức tiệc là cha Chú Rể (đôi khi kèm cả mẹ anh) sẽ bắt đầu chúc mừng con dâu và gia đình sui gia trước, rồi đến lượt Chú Rể chúc vợ mới, khách mời và những người tổ chức. Và chẳng có lý do gì hai bạn không cùng đứng lên chúc mừng và cảm ơn tất cả mọi người hết!
– Cuối cùng là một chút nhắc nhở về Ngày Cưới và những diễn biến chính, cũng như thời gian, địa điểm và lịch trình, để đảm bảo rằng tất cả khách mời (và chính bạn nữa!) sẽ không vì vui quá mà quên mất chi tiết nào trong Đám Cưới chính thức, nhé!
Bạn đã hiểu hơn về rehearsal dinner rồi, vậy bạn có dự định tổ chức một buổi tiệc ý nghĩa như thế cho Đám Cưới của mình không?
Khánh Linh (tổng hợp)
TIN TỨC CƯỚI HỎI
www.news.weddingplanner.vn