Lễ Đính Hôn ở phương Tây cũng là một nghi thức lễ quan trọng giống như Lễ Hỏi đối với người Việt Nam. Tuy nhiên buổi lễ này không mang tính chất báo hiệu cho mọi người biết rằng ngày cưới của cặp đôi đang đến gần mà chỉ như một lời hẹn ước của cặp đôi.
Các phong tục về Lễ Đính Hôn ở phương Tây:
Vào thời Trung Cổ, người đàn ông cầu hôn bằng cách đặt một cành táo gai trước cửa nhà người yêu của mình vào ngày mồng 1/5. Nếu cô gái vẫn để nguyên cành táo trước cửa thì có nghĩa là cô chấp nhận lời cầu hôn của chàng trai. Còn nếu cô từ chối, cô sẽ thay cành táo bằng một cành súp lơ.
Còn trong thời phong kiến, việc Chú Rể cầu hôn Cô Dâu được coi là một nghi thức và được thực hiện trước sự chứng kiến của mọi người. Chàng trai sẽ đến nhà cô gái tặng trang sức hoặc các đồ quý giá để xin cưới. Theo quan niệm thời bấy giờ, khi đang trên đường đi, nếu người nhà Chú Rể gặp phải một người đàn ông mù, một thầy tu hoặc một phụ nữ mang thai thì người ta cho rằng cuộc hôn nhân sẽ không mang lại điều tốt đẹp. Còn nếu họ nhìn thấy con dê cái, chim bồ câu hay chó sói thì Đám Cưới sẽ rất hạnh phúc, suôn sẻ.
Theo thời gian, các phong tục này dần mai một. Các chàng trai khi cầu hôn sẽ chuẩn bị một chiếc nhẫn cùng hai bó hoa màu sắc tươi sáng để dành tặng mẹ vợ và Cô Dâu tương lai. Để đáp trả lại lễ vật ấy, cô gái sẽ chuẩn bị một món quà dành cho Chú Rể, thông thường là nhẫn hoặc những đồ vật mà anh ta có thể thường xuyên mang theo bên mình (ví dụ như vòng tay, đồng hồ…). Tuy nhiên trong trường hợp cả hai không thể đến được với nhau thì phải trả lễ lại, như trả lại lời hẹn ước năm xưa.
Nếu như Lễ Ăn Hỏi (hay Lễ Đính Hôn) của người Việt Nam trang trọng với nhiều thành viên trong gia đình, họ hàng và những bạn bè thân, và với các lễ nghi được tổ chức trang trọng thì Lễ Đính Hôn ở phương Tây chỉ là một buổi tiệc nhỏ, ấm cúng cùng các thành viên trong gia đình hai bên. Buổi tiệc sẽ chính thức bắt đầu khi bố Cô Dâu nâng cốc tuyên bố về Lễ Đính Hôn cũng như chúc mừng cho đôi trẻ. Cặp đôi sẽ trao nhẫn cho nhau để đánh dấu sự chín muồi của tình yêu. Cặp nhẫn được đeo vào ngón áp út bên trái, đến khi kết hôn sẽ chuyển sang tay phải.
Một điều đặc biệt của Lễ Đính Hôn đó là quà cưới từ người thân hai bên gia đình không phải là những món trang sức đắt tiền mà là vật dụng hữu ích như hoa, rượu, món đồ trang trí cho Lễ Cưới sắp tới,… Hoặc bạn có thể không nhất thiết phải tặng quà trong dịp này mà có thể chờ đến Lễ Cưới.
Ở Việt Nam ta, sau Lễ Hỏi, nhà gái thường dùng lễ vật mà nhà trai mang sang chia ra từng gói nhỏ để làm quà biếu tặng cho họ hàng, bạn bè, xóm giềng,… như một lời loan báo con gái trong nhà đã có nơi có chỗ. Còn ở phương Tây, Lễ Đính Hôn không thông báo khắp nơi mà giữ làm chuyện riêng trong gia đình. Sau khi đính hôn, cả hai sẽ có 6 tháng đến một năm để tổ chức Lễ Cưới của mình.
Phương Trúc (tổng hợp)
TIN TỨC CƯỚI HỎI
www.news.weddingplanner.vn