Phong tục Cưới Hỏi Việt Nam rất đa dạng, bởi nước ta có nhiều vùng miền và dân tộc khác nhau, nhưng phần lớn các đám cưới của Việt hiện nay sẽ được tổ chức dựa trên các trình tự trong Lễ Cưới như sau, đây là một sự kết hợp giữa văn hoá truyền thống của người xưa và những nét hiện đại của ngày nay. Vì thế có nhiều nghi thức, phong tục đã được giảm lược đi.
Các trình tự trong Lễ Cưới người Việt Nam:
I – Tại nhà trai – Chuẩn bị trước khi đi đón dâu
1. Cha mẹ hoặc bậc trưởng thượng sẽ là người chuẩn bị, kiểm tra, sắp xếp lại các mâm quả – sính lễ. Sau đó, đậy nắp ngay ngắn cho các mâm quả, phủ khăn vải đỏ.
2. Cha hoặc Bác cả trong nhà sẽ thắp nhang đưa cho Chú Rể khấn vái, báo cáo với ông bà tổ tiên, xin phép được xuất gia đi đón dâu về nhà.
3. Cha Mẹ hoặc bậc trưởng thượng lần lượt trao các quả cho những nam thanh niên (trước đó đã được chuẩn bị đồng phục chỉn chu), và trao hoa cầm tay cho Chú Rể.
Nhà trai đã chuẩn bị xong mọi thủ tục và chuẩn bị xuất hành đi đón dâu – Ảnh: www.weddingplanner.vn
II – Tại nhà gái – Khi đoàn nhà trai đã đến trước cổng
1. Nhà trai sắp xếp thứ tự ngay ngắn, chỉnh tề đội ngũ khoảng 100-200m trước khi vào nhà gái. Hoặc tuỳ điều kiện đường xá mà khoảng cách này có thể thay đổi, tuy nhiên không được tuỳ ý đến quá gần cổng nhà gái mà chưa được cho phép.
2. Thứ tự sắp xếp của nhà trai sẽ là ông bà đi đầu tiên, sau đến cha mẹ Chú Rể, và các chú các bác, kế đến là đội bưng mâm quả, sau cùng là bà con họ hàng, bạn bè.
3. Ông đại diện nhà trai (còn gọi là Chủ Hôn nhà trai) và người bưng khay trầu rượu (thường gọi là rể phụ) đi phía trước để xin phép ông đại diện nhà gái (còn gọi là Chủ Hôn nhà gái) được nhập gia.
4. Ông đại diện nhà gái đồng ý. Sau đó rể phụ rót ra hai ly rượu để hai ông đại diện cụng ly, uống rượu và bắt tay nhau trong tiếng cười rộn ràng.
5. Đoàn nhà trai theo thứ tự đã sắp xếp trước di chuyển đến trước cổng nhà gái. Tiến hành nghi thức trao mâm quả giữa đội bưng quả nam và đội đỡ quả nữ.
6. Đoàn nhà trai bước qua cổng nhà gái. Các cô gái đỡ quả đi vào sau đoàn nhà trai.
Nghi thức trao mâm quả sính lễ tại nhà gái – Ảnh: www.weddingplanner.vn
III – Tại nhà gái – Khi nhà trai đã nhập gia, chuẩn bị làm lễ
1. Hai gia đình ổn định chỗ ngồi. Nhà gái mời nhà trai dùng trà và bánh kẹo.
2. Hai ông đại diện làm công việc giới thiệu thành viên gia đình, chủ yếu là các bậc cao niên để hai bên gia đình biết nhau.
3. Ông đại diện nhà trai xin phép nhà gái để trình mâm quả – sính lễ và ý nghĩa của sính lễ nếu có.
4. Ông đại diện nhà trai xin phép cho mời Cô Dâu ra mắt hai họ. Nhà gái đưa quả về sau nhà và chia quả để chuẩn bị “lại quả” cho nhà trai.
5. Mẹ hoặc Dì sẽ dẫn Cô Dâu từ nhà trong đi ra. Cô Dâu ra mắt, cúi chào hai họ. Chú Rể tiến đến đỡ Cô Dâu và trao hoa cầm tay.
6. Cô Dâu – Chú Rể đứng giữa trao nhẫn cưới trước sự chứng kiến của hai gia đình. Đồng thời, Mẹ chồng hoặc bậc nữ trưởng thượng nhà gái trao nữ trang cho Cô Dâu: dây chuyền, bông tai…
7. Cô Dâu – Chú Rể thắp nhang trên bàn thờ, cúi lạy tổ tiên. Nhiều gia đình trước đó có thể sẽ làm nghi thức lên đèn.
8. Sau đó, Cô Dâu – Chú Rể mời trà Cha mẹ và các bậc trưởng thượng. Trong lúc này, gia đình nhà gái sẽ trao quà cho hai vợ chồng.
9. Hai gia đình ăn bánh, uống một vài tuần trà, chờ đến giờ tốt để xuất giá. Ông đại diện nhà trai xin phép được đón dâu và rót rượu mời ông đại diện nhà gái. Hai ông đại diện bắt tay chào nhau.
10. Tiến hành nghi thức “lại quả”. Hai gia đình xuất phát. Trước đó nhà trai phải chuẩn bị xe cho gia đình nhà gái theo số lượng người đưa dâu.
Cô Dâu Chú Rể làm lễ ra mắt tổ tiên trước bàn thờ – Ảnh: www.weddingplanner.vn
IV – Tại nhà trai: Khi đã đón Cô Dâu về nhà
1. Mẹ chồng (hoặc bậc nữ trưởng thượng) dắt tay Cô Dâu từ ngoài xe hoa vào trong nhà.
2. Hai gia đình ổn định chỗ ngồi. Nhà trai phục vụ trà – bánh mời nhà gái.
3. Tiến hành làm Lễ Gia Tiên, Cô Dâu – Chú Rể thắp nhang cúi lạy tổ tiên.
4. Cô Dâu – Chú Rể mời trà rượu Cha Mẹ và các bậc trưởng thượng. Nhà trai trao quà cho Cô Dâu – Chú Rể.
5. Ông đại diện thông báo hoàn thành Lễ Rước Dâu. Nhà trai có thể mời nhà gái ăn tiệc trưa hoặc hai gia đình cùng dùng trà – bánh và nói chuyện để thắt chặt tình thông gia.
Thuý Linh (tổng hợp)
VIET NAM WEDDING PLANNER
www.weddingplanner.vn